Vai trò, nhiệm vụ của Thanh Niên

BÁC HỒ DẠY VỀ VAI TRÒ, NHIỆM VỤ CỦA THANH NIÊN

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn luôn coi trọng vai trò của thanh niên.

Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 20, khi những cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta chống thực dân Pháp đều thất bại, những phong trào cứu nước do các sỹ phu đề xướng đã hiện rõ là những phương pháp ảo tưởng, Bác Hồ đã xuất hiện như một vì sao chói lọi đưa dân tộc ta đi vào con đường đấu tranh đúng đắn để cứu nước, cứu nhà. Khác với các sỹ phu yêu nước trước đó, Bác Hồ đã đặt vấn đề thanh niên lên một vị trí mới, xứng đáng. Bác cho rằng muốn cứu đất nước thì trước hết phải thức tỉnh dân tộc, muốn thức tỉnh được dân tộc thì trước hết phải thức tỉnh được thanh niên. Năm 1925, trong tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp" Bác Hồ đã kêu gọi "Hỡi Đông Dương đáng thương hại người sẽ chết mất, nếu đám thanh niên sớm già của người không sớm hồi sinh". Trong xã hội ta, Bác Hồ coi "Thanh niên là một bộ phận quan trọng của Dân tộc". Ngay từ những buổi ban đầu sơ khai của cách mạng nước ta, Bác đã rất chú trọng đến vai trò của thanh niên. Năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Bác thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên – tiền thân của Đảng cộng sản Việt nam – mang tên "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội". Tập hợp dưới ngọn cờ "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội" đa số là các thanh niên, mang trong lòng mình một khát khao mãnh liệt – giải phóng dân tộc. Tên gọi của tổ chức cách mạng này thể hiện một tư tưởng chiến lược của Bác: Đảng ta phải trẻ như thanh niên, khỏe như thanh niên. Khi nói về Thanh niên trong lòng Dân tộc, trong cuộc cách mạng mà chúng ta tiến hành, Bác đã dùng một cách so sánh không thể nào hay hơn được nữa "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Bất cứ nơi đâu trên trái đất này, mùa xuân cũng đẹp nhất., tràn trề sức sống nhất. Tuổi trẻ chính là giai đoạn của đời người có khả năng cống hiến cho dân tộc mạnh mẽ nhất. Khả năng của tuổi trẻ là vô địch.

1

Trong chiến tranh, Bác Hồ xem Thanh niên có thể "dời núi và lấp biển", là "đại biểu cho tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại". Trong công cuộc xây dựng đất nước Thanh niên cũng là lực lượng tiên phong đi đầu trong mọi phong trào thi đua kiến quốc. Thanh niên có khả năng tiếp thu nhanh kiến thức, "học kỹ thuật – chìa khóa để làm cho dân mạnh, nước giàu". Bác căn dặn "Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó nước nhà trông mong ở các cháu rất nhiều.".

Thanh niên có vai trò quan trọng không những vì khả năng cách mạng to lớn, mà còn do vị trí thế hệ đặc biệt. Thanh niên là cầu nối giữa thế hệ đi trước và thế hệ mới lớn, đảm bảo tính kế thừa, "Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng". Quan niệm xuyên suốt của Bác "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên.". Tư tưởng này đã được Bác phát biểu lần đầu trong "Thư gửi các thanh niên ngày 17 – 8 – 1947", và sau đó được Bác khẳng định thường xuyên trong các bài viết, nói chuyện với thanh niên..

Bác đánh giá cao khả năng của thanh niên, đồng thời cũng chỉ cho chúng ta thấy thanh niên có nhiệm vụ to lớn và nặng nề. Không phải tự nhiên mà thanh niên ta có thể đảm đương được vai trò quan trọng của mình, mà "Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc chuẩn bị cái tương lai đó". Trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước, Bác đề ra cho thanh niên những nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có có một nhiệm vụ mà khi nào Bác cũng nhắc tới đó là "nhiệm vụ chính của thanh niên là học tập. Muốn xứng đáng vai trò người chủ thì phải học tập". Nền giáo dục nói chung và việc học tập của thanh niên nói riêng phải đảm bảo cho thế hệ trẻ thực sự có đủ nhân cách, kiến thức để "làm người chủ đất nước".

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình lập lại ở Miền Bắc, Người dạy chúng ta những nội dung cần học là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức. Mục đích của việc học tập là để phụng sự cho nhân dân, cho Tổ quốc. Việc học tập cần phải tiến hành thường xuyên và ở mọi nơi, mọi lúc, "học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân". Bác nhấn mạnh "không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn".

Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, "khi mà quyền lợi dân tộc giải phóng là cao hơn hết" thanh niên phải hành động theo tinh thần"Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên".

Trong quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa quyền lợi cá nhân và tập thể, giữa hưởng thụ và cống hiến..., Bác dạy "nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà". Trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà tư tưởng tự tư, tự lợi đang làm suy yếu nhiều lĩnh vực trong đời sống và đạo đức, thì lời dạy đó của Bác càng làm cho chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều, và cũng không phải chỉ riêng thanh niên suy nghĩ....

Để đóng góp tốt hơn cho xã hội, thì thanh niên phải hoạt động có tổ chức, có kế hoạch. Hoạt động của phong trào thanh niên cần phải to lớn, mạnh mẽ nhưng thiết thực. Những lời dạy của Bác về cách tổ chức phong trào thật sâu sắc, Bác nói "...chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được...việc gì cũng phải thiết thực...một chương trình nhỏ mà thực hiện được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được". Bác rất coi trọng yếu tố tổ chức trong trong hoạt động của phong trào thanh niên, mà nòng cốt là tố chức Đoàn. Trong việc xây dựng tổ chức Đoàn, Bác căn dặn "cần phát triển đoàn hơn nữa, nhưng phải chọn lọc cẩn thận, trọng chất lượng hơn số lượng". Một nhiệm vụ lớn mà Bác trao cho thanh niên là "phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai, tức là các cháu nhi đồng". Người còn lưu ý thanh niên nội dung và phương pháp dạy các cháu nhi đồng "phải giữ gìn toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng". Bác luôn lưu ý đến đặc điểm lứa tuổi của thế hệ trẻ khi giáo dục, không chỉ nói đến học tập, công tác mà còn dặn dò phải biết vui chơi, giải trí, đừng để cho thanh niên, nhi đồng biến thành những người "già sớm".

Thanh niên không những phải học cái tốt trong sách vở, trong nhân dân mà còn có nhiệm vụ chống cái xấu ngay trong bản thân mình. Bác chỉ rõ những khuyết điểm mà thanh niên thường mắc phải là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng v.v. chỉ khi nào chúng ta loại bỏ được "kẻ thù" ngay trong chính bản thân mình thì chừng đó chúng ta mới có thể trở thành con người chí công vô tư được.

Những lời dạy của Bác về vai trò, nhiệm vụ của thanh niên rất rộng lớn, từ cuộc sống, từ đạo đức, nhân cách đến tinh thần quốc tế vô sản v.v. Đó là một kho tàng vô giá vì đã được minh chứng bằng chính cuộc sống, bằng chính sự nghiệp của Người. Trong các lời dạy của Bác, chúng ta thấy truyền thống, văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Trong các lời dạy của Người chúng ta thấy thực tiễn sinh động của cách mạng nước ta. Những lời dạy của Bác có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, đã qua bao năm tháng nhưng vẫn còn mang tính thời sự, tưởng như Bác mới nói với chúng ta hôm qua, tưởng chừng như Bác mới nói với chúng ta hôm nay! Để làm theo lời Bác dạy, cần phải nghiên cứu tỷ mỷ, công phu, nhưng quan trọng hơn hết là phải biết áp dụng và dám áp dụng vào thực tiễn..

Niềm tin của Bác vào thế hệ trẻ Việt Nam đã truyền lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Chúng ta tin tưởng "tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang" vì có "một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường". Thanh niên Việt Nam đã, đang và sẽ xứng đáng đáng với lòng tin của Bác.

Huỳnh Anh Tuấn


Tin mới hơn: