Dự kiến bỏ giấy báo điểm thi, tự do đăng ký xét tuyển đại học

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết như vậy trong cuộc họp báo đầu tiên của năm học 2015 – 2016 diễn ra chiều ngày 20/10.

Dự kiến không cấp giấy báo điểm

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga "tiết lộ": "Phương hướng tuyển sinh năm tới là tăng tự chủ cho các trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ xác định xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm, làm thủ tục như vừa rồi".

Theo ông Ga, năm 2015, Bộ quy định cấp 4 giấy báo điểm để hạn chế hồ sơ "ảo", sử dụng phần mềm quản lý chung cũng để hạn chế "ảo".

Trong hội nghị tuyển sinh vào ngày 22/10 tới, Bộ và các trường sẽ bàn thảo giải pháp khi "thả" cho các trường tự xét tuyển, khi thí sinh được tự do đăng ký.

20151020214047-ga

tuyển sinh, Bùi Văn Ga. giấy báo điểm, xét tuyển
Thứ trưởng Bùi Văn Ga:Phương hướng năm tới là tăng tự chủ cho các trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường ĐH, CĐ sẽ tự chủ xác định xét tuyển, Bộ không cấp giấy báo điểm, làm thủ tục như vừa rồi.

"Nếu một em đăng ký 10 trường thì sẽ có 1 em trúng tuyển nhưng 9 em khác sẽ trượt. Bộ và các trường sẽ bàn bạc các biện pháp chống ảo khi áp dụng các giải pháp trên. Ví dụ như sẽ chia thành đợt xét tuyển của từng nhóm trường từ cao xuống thấp. Khuyến khích các trường top trên liên kết với nhau làm công tác tuyển sinh. Ví dụ như năm nay có thể thấy có khoảng 30 trường thu hút thí sinh nhất, thí sinh chủ yếu rút - nộp hồ sơ ở các trường này thôi. Năm tới, 30 trường này có thể liên kết, nếu thí sinh đã trúng tuyển vào trường này rồi sẽ không xét ở trường khác nữa...

Sẽ can thiệp tình trạng "học cả tháng mới biết mình trượt"

Về hiện tượng một số sinh viên nhập học cả tháng trời mới biết mình không... trúng tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định "Nguyên nhân đầu tiên từ công tác nhập học.Trong một ngày nhiều thí sinh đến làm thủ tục, trường phải làm nhanh chóng để giải tỏa đám đông. Tuy nhiên, khi kiểm tra cả hệ thống, đa số các trường hợp không đủ tiêu chuẩn được phát hiện ngay sau khi nhập học".

Về những trường hợp cá biệt phát hiện gần đây, sau khi các trường đã nhập học một thời gian, bà Phụng giải thích nguyên nhân là do trường làm công tác hậu kiểm chậm, hoặc thí sinh chưa đủ hồ sơ nhưng vẫn hứa với trường sẽ nộp sau như trường hợp ở ĐH Giao thông vận tải. Nhưng sau 1 - 2 tuần, thậm chí hàng học kỳ, sinh viên vẫn chưa bổ sung được nên phải cho thôi học.

"Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường để giải quyết quyền lợi hợp lý cho thí sinh. Nếu thí sinh có lỗi các em phải chịu, trường trả lại học phí, còn thí sinh chịu rủi ro về thời gian và cơ hội".

Nếu trường hướng dẫn sai thì giải quyết theo hướng bảo quyền lợi cho thí sinh ở mức tốt nhất. Cụ thể là trả lại điểm thực cho thí sinh, nếu trong trường có ngành nào điểm trúng tuyển phù hợp với điểm của thí sinh và nếu thí sinh có đồng ý sẽ nhận vào học. Nếu thí sinh không đủ điểm vào trường đó, Bộ can thiệp với các trường khác có điểm trúng tuyển phù hợp với điểm thi của thí sinh để nhận.

Cấu trúc lại hệ thống trường đại học

Trước câu hỏi Bộ GD–ĐT sẽ làm gì đối với những trường khó tuyển sinh trong nhiều năm liền, ông Bùi Văn Ga cho biết: "Mặc dù Bộ đã xác định hệ thống dôi dư lớn nhưng một số trường vẫn khó tuyển sinh vì năm nay thí sinh biết kết quả thi trước mới đăng ký xét tuyển nên những trường có sức hút yếu, ở vùng chưa phải khu đại học, gặp khó khăn trong xét tuyển".

"
tuyển sinh, Bùi Văn Ga. giấy báo điểm, xét tuyển
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2015 tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nguyên nhân thứ hai là hiện nay các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu tuyển lao động phổ thông, ít tuyển lao động đã qua đào tạo. Số lượng cử nhân thất nghiệp khá lớn cũng tác động đến quyết định của thí sinh nên đi học hay đi làm".

Theo thông tin do Cục Khảo thí đưa ra, hiện nay còn khoảng 30 trường CĐ chưa có báo cáo về tuyển sinh do thời hạn xét tuyển cao đẳng đến ngày 20/11 mới kết thúc. Tuy nhiên, đại diện của Cục này nhận định đây là những trường khó tuyển, dù chưa biết chắc là khó tới mức nào.

Ông Ga cho biết, phương hướng xử lý đối với những trường khó tuyển trong nhiều năm qua là cấu trúc lại.

"Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015 – 2016 là cơ cấu lại hệ thống ĐH, CĐ để nâng cao hiệu quả nguồn lực. Nhiều năm liền, có một số trường tuyển sinh khó khăn do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội và đội ngũ. Sẽ phải cơ cấu, sắp xếp lại để sử dụng hiệu quả nhất" – ông Ga khẳng định.


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: